Trong cơ thể người thường xuyên sản sinh ra các mảnh phân tử không ổn định gọi là gốc tự do. Các gốc này phá huỷ tế bào, mô, các tổ chức của cơ thể, đồng thời gây tắc nghẽn động mạch, phát triển các bệnh như ung thư... và khiến cơ thể lão hóa nhanh chóng.
Gốc tự do là gì?
Gốc tự do là các nguyên tử hoặc phân tử có lớp quỹ đạo ngoài cùng chứa một điện tử (electron) đơn lẻ (tổng số điện tử của gốc tự do là một số lẻ). Do vậy, các gốc tự do có khả năng oxy hóa rất cao.
Các gốc tự do này sẽ gây nên những rối loạn các phản ứng và chuỗi phản ứng hóa học trong cơ thể, phá hủy màng tế bào, tiếp đó là các tổn thương như: biến đổi cấu trúc protein, ức chế các men, thay đổi nội tiết tố, kích thích các mầm bệnh và dẫn đến các chứng bệnh: xơ vữa động mạch, tiểu đường, tai biến, ung thư… Đây cũng là thủ phạm chính gây lão hóa da sớm, tăng sắc tố, gãy sợi collagen và elastin.
Vì chỉ có một điện tử đơn lẻ, nên gốc tự do luôn ở trạng thái bất ổn và luôn tìm cách chiếm đoạt điện tử của nguyên tử khác. Theo các nhà nghiên cứu, gốc tự do hủy hoại tế bào theo diễn biến sau đây: trước hết, gốc tự do oxy hóa màng tế bào, gây trở ngại trong việc thải chất bã và tiếp nhận thực phẩm, dưỡng khí; rồi gốc tự do tấn công các ty lạp thể, phá vỡ nguồn cung cấp năng lượng. Sau cùng, bằng cách oxy hóa, gốc tự do làm suy yếu kích thích tố, enzyme khiến cơ thể không tăng trưởng được. Quá trình này làm cho tế bào khỏe mạnh bị hư hỏng và đột biến.
Nguyên nhân gây ra gốc tự do
Thứ nhất, là do hoạt động sống của các tế bào. Đây là quá trình hoàn toàn bình thường khi cơ thể xử lý oxy để tạo ra năng lượng.
Thứ hai, là các yếu tố bên ngoài khác:
- Tia UV.
- Ô nhiễm môi trường.
- Chất độc hại, hóa chất, nhiễm xạ….
- Khói thuốc.
- Rượu bia.
- Stress, các căng thẳng tinh thần, thể chất: lao động quá sức, lo lắng, áp lực, buồn, sợ…
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: tỷ lệ chất béo quá cao trong khẩu phần ăn gây rối loạn chuyển hóa lipid, thừa năng lượng, thiếu vitamin B, PP, C, A, E, thiếu Acid amin thiết yếu, thực phẩm không an toàn…
Những ảnh hưởng của gốc tự do đối với cơ thể
Gốc tự do có thể dễ dàng phản ứng với các thành phần của tế bào, từ đó gây ra sự rối loạn hoạt động bình thường của tế bào, phá hủy tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu thấy sự liên quan của các gốc tự do đối với sự hình thành một số bệnh lý gồm:
- Bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương như: Alzheimer, các chứng mất trí nhớ, bệnh parkinson.
- Bệnh lý tim mạch do tắc động mạch gây ra.
- Rối loạn viêm và hệ thống miễn dịch: Các bệnh tự miễn thường gặp như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
- Gốc tự do là tác nhân gây đột biến gen khi tấn công vào các ADN và tấn công vào các tổ chức màng, các chất sinh học trong tế bào góp phần làm tăng nguy cơ ung thư và làm cho bệnh cảnh ung thư nặng nề thêm.
- Đục thủy tinh thể và chứng suy giảm thị lực liên quan đến tuổi tác
- Liên quan tới bệnh lý đái tháo đường ở người già.
- Về mặt DNA, tác hại của các gốc tự do gây ra ở đó có thể gây ra quá trình lão hóa da. Sự lão hóa sớm bên ngoài là mối đe dọa lớn nhất đối với làn da. Vì da là cơ quan lớn nhất của chúng ta, nên nó cũng dễ bị tổn thương bởi các gốc tự do.
- Thay đổi về ngoại hình do sự lão hóa gây ra như da mất độ căng bóng, đàn hồi, xuất hiện nhiều nếp nhăn, tóc bạc, rụng tóc, móng tay yếu.
Làm sao để hạn chế các gốc tự do trong cơ thể
Tránh tiếp xúc hoàn toàn với các gốc tự do là điều không thể, nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để giữ cho cơ thể và làn da khỏe mạnh.
- Chế độ ăn uống khoa học: bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có tác dụng chống oxy hóa như vitamin A, vitamin E, vitamin C, beta caroten, selen, glutathione... các chất có nhiều trong hoa quả mọng, rau xanh... Tránh xa các chất không tốt cho cơ thể như đồ ăn có nhiều dầu mỡ, bia rượu, nước uống có gas...
- Tránh căng thẳng stress: hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, lo âu... tập thể dục giúp giảm stress như yoga, đi bộ, học cách suy nghĩ tích cực yêu đời để tránh hình thành gốc tự do.
- Ngủ đủ giấc: ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi ngày, giúp hạn chế nguy cơ hình thành các gốc tự do.
- Tránh tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại, ô nhiễm, môi trường có nhiễm phóng xạ.
- Bổ sung các chống oxy hóa trong cơ thể để giảm những gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Tránh các tác nhân gây ra các gốc tự do chính được đề cập ở trên là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng kết hợp với nó, việc bổ sung các chất chống oxy hóa cũng rất hữu ích.
Tiến sĩ González giải thích: “Chất chống oxy hóa là các hợp chất có thể được tìm thấy trong thực phẩm và trong chăm sóc da có tác dụng ngăn chặn hoặc trì hoãn các tổn thương đối với tế bào của chúng ta. “Chúng hoạt động bằng cách liên kết với các gốc tự do, ngăn chúng liên kết với các tế bào khỏe mạnh của bạn và làm hỏng chúng”.
Hãy coi chất chống oxy hóa như những chất nhặt rác gốc tự do giúp làm chậm quá trình oxy hóa trên đường đi của nó.
Đọc thêm: Tìm hiểu về chất chống oxy hóa.