Chúng ta thường được khuyên sử dụng kem chống nắng hàng ngày để chống lại tác hại của tia UV. Tia UVA, UVB là gì?
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ bức ảnh gây tiếng vang về người đàn ông lái xe tải 69 tuổi thường xuyên bị nắng chiếu vào 1 bên mặt trong suốt cuộc đời lái xe được công bố trên ấn phẩm y khoa nổi tiếng The New England Jounal of Medicine. Da mặt của bên thường xuyên tiếp xúc với tia UV lão hóa hơn nhiều so với bên còn lại.
1. Tia UV là gì?
Với sự phát triển của khoa học, các nhà nghiên cứu đã khám phá và phân loại ánh sáng mặt trời thành 3 nhóm chính dựa trên độ dài bước sóng: Tia hồng ngoại, ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy và tia UV.
Tia UV (Ultraviolet), còn được gọi là tia cực tím hoặc tia tử hoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng khả kiến nhưng dài hơn tia X.
Tia UV mang lại cho con người những lợi ích như giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể, ở liều lượng vừa phải tia cực tím có thể kích thích mọi quá trình hoạt động chính của cơ thể,...
Tuy nhiên song song với những lợi ích trên, tia cực tím ẩn chứa khá nhiều tác nhân gây hại đến làn da và nghiêm trọng hơn có thể gây nên các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.
Tia hồng ngoại là bức xạ điện từ có bước sóng dài hơn ánh sáng có thể nhìn thấy. Ta không thể nhìn thấy tia hồng ngoại tuy nhiên vẫn cảm nhận được chúng thông qua nhiệt độ của Mặt trời mang đến cho Trái Đất.
Ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy (ánh sáng khả kiến) chiếm 40% trên tổng tỉ lệ bức xạ mặt trời chiếu xuống mặt đất, đây là nguồn năng lượng tự nhiên ngày nay được sử dụng khá phổ biến.
2. Phân loại tia UV và tác hại của chúng đối với làn da
2.1. Tia UVA
Chiếm 95% bức xạ: tia UVA hiện diện ở bất kỳ mùa nào trong năm, cho dù là lúc trời nắng hay không, do vậy khi trời râm mát thì da vẫn bị tổn thương mà ta không hề hay biết. Đây là loại tia xuyên được qua kính và nhiều loại vải. Tia UVA không làm đen da nhưng tạo ra các gốc tự do phá huỷ collagen và elastin khiến da bị lão hoá, nhăn nheo đồng thời gián tiếp gây ung thư và đột biến DNA.
2.2. Tia UVB
Tia UVB sẽ tác động lên biểu bì (lớp da ngoài cùng của cơ thể) – tác nhân chính gây cháy nắng, đen da và có thể dẫn đến ung thư da. Chúng có cường độ cao nhất từ 10h đến 15h trong ngày, và mạnh nhất vào mùa hè. UVB không xuyên nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước.
2.3. Tia UVC
Và "kẻ hủy diệt" số một - tia UVC. Đây là tia có năng lượng cao nhất so với hai tia còn lại. Tia UVC gây tổn thương nghiêm trọng đến làn da và đôi mắt của chúng ta.
May mắn là tầng ozone trong bầu khí quyển đã ngăn chặn gần như toàn bộ tia này chiếu xuống mặt đất. Dù vậy, với sự suy yếu dần của tần ozone, các bức xạ năng lượng cao của tia UVC vẫn có thể thâm nhập xuống bề mặt Trái Đất, dễ dàng gây ra các vấn đề trầm trọng đối với sức khỏe.
3. Làm thế nào để ngăn chặn tác hại của tia UV?
Như đã được các nhà khoa học khuyến cáo, cách tốt nhất để chống lại tác hại của tia UV là chống nắng. Có nhiều biện pháp chống nắng khác nhau và dùng chúng đúng cách cũng vô cùng quan trọng:
Bôi kem chống nắng: Đây là cách phổ biến nhất và cũng mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài việc chọn cho mình một sản phẩm kem chống nắng phù hợp thì bạn cũng nên quan tâm đến các chỉ số chống nắng như SPF và PA.
SPF là chỉ số chống tia UVB. PA là chỉ số cho biết khả năng chống nắng. Các sản phẩm chống nắng của Hàn hoặc Nhật thường ghi chỉ số PA, còn kem chống nắng của Mỹ hoặc châu Âu thường ghi Broad Spectrum.
Đồng thời, bạn cũng có thể bảo vệ làn da của mình bằng cách:
- Ăn uống hợp lý, bổ sung các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm (cam quýt, trà xanh, cà rốt, và ớt chuông đỏ,...)
- Sử dụng các trang phục chống nắng chuyên dụng, trang bị thêm kính râm để ngăn ngừa các bệnh lý về mắt.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào các giờ cao điểm (11h đến 15h)
- Hạn chế các nguồn bức xạ nhân tạo (ánh sáng từ màn hình máy tính, điện thoại), sử dụng các tấm phim cách nhiệt cho cửa kính trong phòng hoặc trong ô tô...