Ăn dặm là giai đoạn mới quan trọng để bé chuyển từ giai đoạn sơ sinh sang giai đoạn trưởng thành. Việc thiếu kiến thức ăn dặm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con trẻ. Mẹ hãy đọc kỹ những kiến thức quan trọng dưới đây nhé!
Thời điểm cho bé ăn dặm?
Thời điểm bé bắt đầu ăn dặm vào khoảng từ 5 – 6 tháng tuổi, phụ thuộc vào sự phát triển của bé. Tiến sỹ Frank R. Greer, chuyên gia về dinh dưỡng cho Bé sơ sinh của Trường Đại học Wisconsin tại Madison khuyên “Bạn chỉ nên cho Bé ăn dặm khi Bé đã sẵn sàng. Không phải tất cả các Bé đều có thể tập bò hay tập đi cùng một thời điểm và cũng không bắt buộc phải ăn dặm cùng độ tuổi”. Vậy làm sao có thể biết bé sẵn sàng ăn dặm, hãy chú ý các dấu hiệu sau khi bé được 5-6 tháng tuổi:
- Bé cứng cổ, có thể giữ thẳng đầu (đây là dấu hiệu rất quan trọng).
- Bé có thể tự ngồi tốt hoặc ngồi vững và cần rất ít sự trợ giúp.
- Bé có thể tự cầm và đưa đồ vật vào mồm một cách chính xác.
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn bé chuyển dần từ việc ăn hoàn toàn sữa mẹ/sữa công thức sang ăn các loại thực phẩm phong phú, đa dạng hơn.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, thức ăn chính của bé là sữa mẹ/sữa công thức. Tuy nhiên đến giai đoạn 6 tháng tuổi, cơ thể bé bắt đầu đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng hơn từ các loại thực phẩm ngoài sữa.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu dinh dưỡng cũng như tập cho con các mốc phát triển kĩ năng theo từng giai đoạn, mẹ nên cho trẻ ăn dặm trước khi con được 1 tuổi để con có thể làm quen và thích thú với việc ăn dặm. Thời điểm thích hợp nhất được WHO khuyến cáo là khi trẻ được 6 tháng tuổi và có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm.
Các phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay
Ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW) và ăn dặm truyền thống là 3 phương pháp cho trẻ ăn dặm phổ biến nhất hiện nay. Mỗi phương pháp ăn dặm có ưu, nhược điểm và cách thực hiện khác nhau, vì thế mẹ nên dựa vào điều kiện gia đình để chọn cho con một phương pháp ăn dặm phù hợp nhất.
Hoặc mẹ cũng có thể áp dụng hai hay nhiều phương pháp với nhau để tạo hứng thú cho con trong quá trình ăn dặm cũng như tiết kiệm thời gian và công sức cho mẹ, ví dụ như: Ăn dặm truyền thống kết hợp với ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống kết hợp với BLW, ăn dặm kiểu Nhật kết hợp với BLW,...
Đọc thêm: So sánh các phương pháp ăn dặm cho bé phổ biến hiện nay
Mẹ cho bé ăn bao nhiêu khi tập ăn dặm
Bé 6 tháng tuổi ăn dặm bao nhiêu là đủ là băn khoăn của hầu hết các mẹ lần đầu cho con ăn dặm vì thông thường các bé đều ăn rất ít hay thậm chí có nhiều bé không chịu hợp tác khi mới bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, các mẹ không cần quá lo lắng về lượng ăn của bé khi mới tập ăn dặm.
Giai đoạn dưới 1 tuổi, sữa mẹ, sữa công thức vẫn là thức ăn cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ. Các thực phẩm ngoài sữa trẻ ăn dặm trong giai đoạn này chủ yếu là để cơ thể có thể tập các kĩ năng ăn uống. Mục đích là để có thể thuận lợi ăn uống, hấp thu dinh dưỡng bên ngoài tốt nhất khi bước sang giai đoạn trên 1 tuổi - giai đoạn thực sự cần bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa.
Vì vậy, mẹ không nên ép con ăn mà cứ để trẻ ăn theo khả năng và chủ động trong việc ăn uống của mình.
Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên là điều mà mẹ cần đặc biệt lưu ý vì lần đầu tiên sẽ quyết định rất lớn đến thái độ của bé đối với bữa ăn. Mẹ nên nhớ, thời điểm này bé chỉ mới tập ăn dặm, vì thế mẹ không nên nôn nóng ép bé ăn quá nhiều trong lần đầu tiên, điều này dễ khiến bé sợ ăn và không hợp tác trong những bữa ăn sau.
Một số nguyên tắc chung về việc chế biến và cho trẻ ăn dặm mẹ cần lưu ý ngay từ đầu: không nêm mắm, muối, đường, nước hầm xương hay các loại phụ gia khác vào đồ ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi, không cho trẻ ăn rong hay xem tivi, ipad khi ăn,...
Đọc thêm: Những thực phẩm không nên cho bé ăn dặm trước 1 tuổi
Bổ sung vitamin cho bé ăn dặm
Trẻ 6 tháng tuổi cần bổ sung vitamin gì khi bắt đầu ăn dặm còn tùy thuộc vào cân nặng, chế độ ăn và việc bé bú sữa mẹ hay sữa công thức. Một số đối tượng cần quan tâm đến việc bổ sung vitamin gồm: Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân...
Các loại vitamin nên bổ sung cho trẻ gồm vitamin A, vitamin C, vitamin D. Trong đó vitamin D là loại vitamin được quan tâm nhiều nhất. Vitamin D cho trẻ sơ sinh có thể được bổ sung theo liều dự phòng hàng ngày. Việc bổ sung canxi cho trẻ là việc rất quan trọng vì canxi là khoáng chất chính trong xương và răng của trẻ. Và để hấp thu lượng canxi cần thiết thì cơ thể phải được cung cấp đủ vitamin D vì vitamin D có vai trò làm tăng hấp thu canxi trong cơ thể.
Các vấn đề thường gặp ở trẻ ăn dặm
Đau bụng ở trẻ ăn dặm
Bé bị đầy bụng và nôn nguyên nhân phổ biến là do trẻ ăn quá nhiều hoặc nuốt nhiều hơi khi ăn, thức ăn không phù hợp với khả năng tiêu hóa... Mẹ có thể hạn chế tình trạng này bằng cách cân đối lại lượng ăn và thứ tự giới thiệu thức ăn cho con, vỗ ợ hơi đúng cách sau khi con bú sữa.
Nếu tình trạng đầy bụng và nôn kéo dài, mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra kĩ hơn.
Táo bón khi ăn dặm
Bé bị táo bón sẽ có các biểu hiện: chậm đi ngoài, bụng cứng, chướng bụng, chán ăn, quấy khóc khi đi ngoài, phân cứng (đôi khi bé như phân dê), xì hơi nặng mùi...
Nguyên nhân trẻ bị táo bón là do hệ tiêu hóa đang làm quen với việc tiêu thụ thức ăn ngoài sữa.
Ngoài ra, còn có thể do trẻ không được bổ sung đủ sữa hoặc nước (đối với trẻ trên 6 tháng), thức ăn quá đặc, khẩu phần ăn ít chất xơ...
Nếu vài ngày con không đi ngoài nhưng phân của con vẫn mềm và con đi ngoài một cách thoải mái thì không phải con bị táo bón
Đọc thêm: Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh và trẻ em không dùng thuốc
Sặc và hóc khi ăn dặm
Sặc và hóc là những hiện tượng thường gặp khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm. Nguyên nhân chính là do trẻ đang tập nuốt thức ăn, phản xạ đóng nắp thanh quản khi nuốt chưa hoàn thiện dẫn tới thức ăn tràn vào và gây nguy hiểm cho đường thở.
Nguyên nhân trẻ bị sặc cháo còn có thể do bé không ngồi ghế ăn khi ăn (nằm ăn hoặc ăn rong), không tập trung khi ăn (vừa ăn vừa chơi) hay do mẹ đút quá nhiều cháo một lúc. Mẹ cần tránh những trường hợp này để giảm tối đa nguy cơ sặc cháo cho con.
Nhiều bé hay bị sặc khi uống nước, đối với trường hợp này, mẹ nên giảm lượng nước uống của bé, chỉ cho bé uống từng ít một để con tập cách nuốt từ từ, khi con đã uống tốt mới tăng dần lượng nước lên.
Nhiều trường hợp sặc và hóc nếu không sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của con. Vì thế mẹ cần biết cách phân biệt sặc và hóc cũng như trang bị các kĩ năng sơ cứu cần thiết để sơ cứu cho con khi cần thiết.
Cách xử lý khi trẻ bị sặc thức ăn lỏng là sử dụng các dụng cụ an toàn hút sạch thức ăn còn lại trong mũi và miệng để thông đường thở cho con cũng như tránh việc thức ăn ứ đọng gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.
Đối với trường hợp trẻ bị nghẹt thở do hóc các loại thực phẩm rắn hay đồ vật nhỏ, mẹ cần bình tĩnh thực hiện sơ cứu, tuyệt đối không cố gắng móc tay sâu vào họng con để lấy dị vật ra.
Theo dõi Page Lần đầu làm mẹ để đọc thêm các bài viết hàng ngày.
Tham gia Group Con Ngoan Khỏe, Mẹ Hạnh Phúc để trao đổi, thảo luận thêm thông tin hữu ích với cộng đồng các mẹ bầu bí và bỉm sữa trong quá trình làm mẹ nhé.