Omega 3-6-9 mang đến những lợi ích sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, bạn không cần thiết phải bổ sung cả 3 loại Omega này, vì khi thừa thì chúng sẽ dẫn đến nguy cơ nổi mụn nội tiết, đái đường, mỡ máu, cholesterol cao. Chỉ cần tập trung bổ sung Omega 3 là đủ.
Tỷ lệ hợp lý giữa Omega-3 và Omega-6:
- Omega-3 được tìm thấy trong cá, hải sản, hoặc thực vật như hạt lanh.
- Omega-6 có rất nhiều trong các loại dầu thực vật bạn ăn hằng ngày như dầu hướng dương, dầu đậu nành...
- Omega-9 có trong các loại hạt như đậu phộng, hạt dẻ...
Omega-6 tuy cần thiết cho sức khỏe nhưng khi cơ thể hấp thụ quá nhiều dễ dẫn đến kích ứng và viêm trong tế bào. Đồng thời, việc dư Omega-6 cũng có liên quan đến đề kháng Insulin, khiến cơ thể khó kiểm soát lượng đường trong máu. Cả 2 vấn đề này rất dễ gây mụn.
Ngược lại, Omega-3 lại có khả năng giảm kích ứng và viêm rất tốt. Tỉ lệ lý tưởng giữa Omega-3 : Omega-6 nên là 1:1. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay, nhất là những ai ăn uống theo kiểu Âu hoặc ăn nhiều đồ chiên xào, đang có lượng Omega-6 trong cơ thể cao hơn Omega-3. Tưởng tượng cơ thể mình giống như làn giao thông, nếu Omega-6 trong cơ thể nhiều hơn, nó sẽ ưu tiên dung nạp loại này vào cơ thể trước rồi mời đến Omega-3. Ngoài ra Omega-3 còn có khả năng giảm triglyceride và tăng HDL (cholesterol tốt) trong máu, rất có lợi cho người bị cholesterol và huyết áp cao. Bạn có thể thấy, người Nhật ăn nhiều cá nên họ rất khỏe mạnh, da lại đẹp, còn ai ăn nhiều đồ béo, dầu mỡ, fastfood, dung nạp quá nhiều omega-6 thì da rất xấu, dễ bị cholesterol cao, đái tháo đường, mỡ trong máu...
Như vậy để giảm các nguy cơ trên, mình cần tăng Omega-3, giảm Omega-6, đưa tỷ lệ về đúng chuẩn là 1:1.
Tác dụng của Omega-3 với mụn nội tiết:
Omega-3 tốt cho sức khỏe, giúp phát triển trí não và tim, giảm cholesterol... được sử dụng cho cả người già và trẻ em, chắc ai cũng đã từng xài qua, nhưng có chắc bạn dùng đúng và đủ để trị mụn?
Nghiên cứu cho thấy những người có tỉ lệ Omega-6 cao trong cơ thể cũng thường có lượng androgen cao. Omega-6 khiến androgen tăng cao đến 40% so với Omega-3. Mà Androgen tăng cao, khiến da tiết nhiều bã nhờn hơn, nhiều vi khuẩn P.acnes hơn, dễ tắc lỗ chân lông hơn, dẫn đến mụn nội tiết. Khi những người này được cho uống Omega-3, người ta thấy lượng androgen giảm rõ rệt, DHEA tuy ít nhưng cũng có giảm. Kèm với khả năng giảm kích ứng, sử dụng Omega-3 đã cho thấy nhiều kết quả khả quan trong việc trị mụn, nhất là mụn nội tiết, cũng như mụn do ăn nhiều đồ dầu mỡ.
EPA - DHA - ALA là gì?
Omega-3 có 3 loại: 2 chuỗi acid béo dài EPA và DHA, cùng 1 chuỗi ngắn ALA. EPA và DHA có thể tìm thấy nhiều trong cá và hải sản, còn ALA có nguồn gốc thực vật, tìm thấy nhiều trong hạt lanh. Trong cơ thể, chỉ khoảng 10% ALA có thể chuyển hóa thành EPA và DHA. ALA có khả năng giảm tổn thương tế bào và phục hồi hàm lượng vitamin C và vitamin E trong cơ thể, tuy nhiên EPA và DHA mới là thứ tạo ra những tác dụng thần kỳ của Omega-3, cũng như khả năng giảm mụn mà bạn biết đến.
Giữa EPA và DHA, cái nào quan trọng hơn?
EPA và DHA thường đi đôi với nhau, tỉ lệ 3:2 được cho là lý tưởng nhất cho sức khỏe. Tuy nhiên 1 số nhãn hiệu đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau cho khách hàng, cùng với nhiều nồng độ EPA và DHA cao thấp rõ rệt. EPA và DHA có 2 tác dụng hoàn toàn khác nhau. EPA tốt hơn trong việc giảm viêm và kích ứng. Còn DHA lại quan trọng hơn trong việc phát triển trí não và tim. Vậy nên bác sĩ hay cho trẻ em dùng DHA để thông minh hơn, và giảm các dạng bệnh ADHA (khó tập trung). Phụ thuộc vào nhu cầu của bạn là gì mà chọn loại tỉ lệ EPA và DHA cho phù hợp.
Bao nhiêu EPA + DHA là đủ?
Theo Đậu tìm hiểu, bác sĩ thường cho sử dụng giao động giữa 1000 - 2000 mg EPA + DHA / ngày để điều trị 1 số loại bệnh.
Tuy nhiên bạn phải cẩn thận xem thông tin EPA và DHA in sau chai thuốc rồi cộng lại nhé. 1000mg dầu cá thường chỉ chứa khoảng 300mg EPA+DHA, và 1000mg Omega-3 chỉ chứa khoảng 500mg EPA+DHA. Nên chọn loại có nồng độ EPA+DHA càng cao càng tốt, đỡ phải uống nhiều lần trong ngày. Những loại dầu cá rẻ tiền thì không chứa nhiều EPA+DHA, phải uống đến tận 4 viên/ngày tính ra cũng nhiêu đó tiền, mà lại thường có chứa nhiều tạp chất.
Người Nhật trung bình hấp thụ 700 - 1200mg EPA+DHA / ngày. Chúng ta có thể bổ sung bằng việc ăn nhiều cá hồi trong bữa ăn hàng ngày. Nếu như lượng Omega 3 chúng ta nạp qua đường thức ăn không đủ, thì nên chọn lựa một hãng Omega 3 nổi tiếng như hãng Carlson của Mỹ để uống hàng ngày.
Omega-369 là gì?
Omega-6 gồm có LA, GLA và AA có nhiều trong các loại dầu thực vật. GLA có nhiều trong evening primrose oil hay borage oil, giúp giảm kích ứng, có lợi cho cholesterol, và hay được dùng để cân bằng nội tiết, tránh PMS cho các bạn gái đến ngày. Tuy nhiên lượng GLA trong thực phẩm không nhiều, còn thực phẩm chức năng thì cũng không được xài quá nhiều. Còn AA là chúa rắc rồi, có tác hại xấu đến sức khoẻ con người, tăng huyết áp, cholesterol cao, các bệnh liên quan đến béo phì. AA có rất nhiều trong thực phẩm hằng ngày dưới cái tên dầu ăn. Dầu đậu nành, dầu hướng dương nghe mỹ miều vậy chứ có tỷ lệ omega-6/3 còn cao hơn cả mỡ heo. Mấy cái dầu ăn này chính là nguyên nhân gây đủ thứ bệnh cho người Mỹ hiện nay.
Thật ra không có nhiều nghiên cứu so sánh giữa omega 3 và GLA nên khó nói cái nào tốt hơn, và tỉ lệ 2 cái nên sử dụng như thể nào. Chỉ có 1 thí nghiệm khả năng giảm mụn khi sử dụng GLA và Omega-3 ra kết quả tương đương nhau. Nhưng có lẽ vì Omega-3 nhiều tác dụng hơn hẳn với khả năng giảm cholesterol và giúp phát triển trí não ở trẻ em, hoặc cũng có thể chỉ có Omega-3 mới đủ "nặng" để cân bằng với Omega-6, lại dễ hấp thụ từ thực phẩm, mà đa số các nhà khoa học nghiêng hẳn về phía Omega-3 luôn, bỏ lơ GLA.
Đa số Omega-6 trong thực phẩm chức năng là GLA nên các bạn không cần quá lo lắng, tuy nhiên nên kiểm tra thành phần kỹ trước khi mua, loại nào chỉ ghi Omega-6 mà không ghi rõ là GLA, hoặc có thêm thành phần AA thì nên né.
Tóm tắt:
- Quá nhiều Omega-6 dễ dẫn đến mụn nội tiết, đái tháo đường, mỡ trong máu, cholesterol cao, ...
- Tỷ lệ lý tưởng giữa Omega-3 và Omega-6 nên là 1:1
- Nên giảm Omega-6, giảm đồ ăn chiên xào, kể cả dầu thực vật.
- Tăng Omega-3 bằng cách ăn cá hàng ngày, đặc biệt là cá hồi, nếu không ăn đủ cá thì dùng thực phẩm chức năng bổ sung.
- Chọn EPA và DHA thay vì ALA (Omega-3 chay)
- Uống 1000 - 1500 mg EPA+DHA/ngày
- Nhìn chỉ số EPA và DHA trước khi mua
- Omega-3 không có tác dụng trên Insulin và đái tháo đường
- Trường hợp người bị đái tháo đường, có vấn đề về máu, đang xài thuốc loãng máu, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, mẹ bầu và cho con bú bắt buộc phải hỏi bác sĩ về thuốc cũng như nồng độ trước khi sử dụng.
Suốt 1 năm vừa qua da Đậu hơi bị chập cheng, tự nhiên mụn tè le, mọc tùm lum, nhiều nhất là mụn ẩn vùng trán, mụn viêm vùng má thì vừa to vừa cứng đầu lại thâm, lại còn có cả mụn nội tiết, trong khi da Đậu trước giờ rất khỏe và ít mụn. Sau khi thử thay đổi các loại mỹ phẩm cũng như nhìn lại lifestyle của mình, Đậu biết 1 phần do ăn uống, nhà Đậu nấu ăn bổ dữ lắm, thịt thà dữ dằn lắm. Khoảng 1 năm này mụn lên liên tục, cứ em này vừa đi em khác lại tới. Đậu bắt đầu uống Omega-3 đúng liều, và cảm thấy da bắt đầu ổn định lại. Mụn cũ tuy không tự nhiên biến mất, nhưng mừng là không bị mụn mới. Giờ lo tập trung trị mụn cũ là được. Cả tháng trời không lên nốt mụn mới nào là mừng muốn chết. Các nốt cũ Đậu thấy cũng tà tà mới hết chứ không nhanh hơn bình thường là mấy.
Loại Omega 3 có EPA và DHA cao: Omega 3 Carlson.
Primrose oil chứa Omega 6 giúp cân bằng nội tiết mà không chứa thành phần AA độc hại: Tinh dầu hoa anh thảo của Puritans Pride.