Press ESC to close

Mỗi tháng chúng ta cần tiết kiệm bao nhiêu tiền?

Bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi này cho mình chưa? Nhất là những bạn trẻ làm lương 2,3 chục triệu trở lại mà đang tiêu sạch tiền lương của mình mỗi tháng?

Hồi xưa Đậu có một đồng nghiệp cũ. Bạn ấy và chồng có lương cũng được vài chục triệu một tháng. Nhưng tháng nào hai vợ chồng cũng tiêu sạch tiền đến khi cần cho việc khẩn cấp thì không có, nên phải mượn của bạn bè mấy trăm triệu, rồi mỗi tháng góp trả nợ dần. Trong lúc đang vay nợ, bạn ấy vẫn đi du lịch thế giới, mua túi hiệu, đi ăn hàng thường xuyên...và khoản nợ tiếp tục tăng lên. Đối với một người sợ mắc nợ như Đậu, cứ có nợ là thấy áp lực tài chính đè lên khiến mình không vui vẻ thoải mái, thì Đậu sẽ không bao giờ chi tiêu phung phí khi mình đang có nợ, và càng cố gắng để mình không bao giờ phải mắc nợ cả. Ngoài ra, Đậu nghĩ bất cứ ai cũng đều cần có một khoản kinh tế dự phòng cho những lúc trái gió trở trời, hoặc những lúc có việc đột xuất cần dùng đến tiền gấp.

Có câu nói: "Người khôn ngoan là người sẽ chi tiêu phần còn lại sau khi đã dành ra một khoản tiền tiết kiệm. Còn người hoang phí thì sẽ tiêu sạch hết các khoản, còn lại bao nhiêu mới để tiết kiệm".

Đậu nghĩ mỗi người chúng ta nên có kế hoạch kinh tế cho bản thân. Mỗi tháng, Đậu luôn phân ra các khoản rõ ràng như sau:
1. Tiền tiết kiệm
2. Tiền chi cho các nhu cầu cố định thiết yếu: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, xăng xe, tiền ăn..
3. Tiền phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch, shopping, ma chay hiếu hỉ.

Sau đó Đậu sẽ tiết kiệm cố định một khoản trước, rồi tiếp tục phân bổ cho các khoản nhu cầu thiết yếu, còn lại bao nhiêu mới chi cho shopping giải trí.

Có rất nhiều ý kiến về việc nên phân bổ % thu nhập cho các khoản như thế nào. Các chuyên gia tài chính khuyên rằng bạn nên dành 20% thu nhập của mỗi tháng để tiết kiệm, 50% dùng cho những thứ căn bản cần thiết, và 30% còn lại sử dụng cho các nhu cầu mua sắm, giải trí. Công thức này thường được gọi là 50/30/20 rule of thumb. Đương nhiên tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà tỷ lệ này sẽ thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như thu nhập của bạn cao thì tỷ lệ để tiết kiệm có thể tăng lên. Tuy nhiên, các nhà kinh tế khuyên là chúng ta luôn phải có một khoản tiết kiệm đủ để trang trải cho cuộc sống của mình trong vòng 3-9 tháng mà không có thu nhập. Khoản này cũng là khoản tiền khẩn cấp phòng khi đau ốm...

Nhiều gia đình trẻ thu nhập cũng khá. Nhưng cứ đến cuối tháng là lại sạch túi vì không theo sát tài chính của mình, cũng như không đủ kỷ luật để làm theo mục tiêu, nên làm hoài mà vẫn không tiết kiệm được bao nhiêu. Bạn tham khảo cách làm của Đậu xem nhé:

- Hàng tháng luôn cắt hẳn một khoản cho tiết kiệm trước, rồi mới đến các khoản còn lại. Khoản ăn chơi giải trí là dễ cắt nhất, nên nếu kinh tế mình chưa đáp ứng được thì nên giảm phần này. Để tạo kỷ luật cho bản thân thì bạn nên gửi tiết kiệm online hàng tháng ngay khi vừa lĩnh lương.

- Hạn chế để nhiều tiền mặt trong ví, vì dễ dẫn đến tình trạng tiêu không kiểm soát. Đậu thấy mỗi khi Đậu có nhiều tiền mặt trong người là sẽ tiêu xông xênh hẳn, rồi đến lúc lại không hiểu mình đã chi tiêu những gì mà nhanh hết tiền thế. Sau này Đậu hạn chế giữ tiền mặt mà sử dụng thẻ tín dụng thì Đậu thấy có thể kiểm soát rõ ràng lượng chi tiêu của mình hàng tháng hơn. Và nhiều khi chi tiêu qua thẻ tín dụng còn được hoàn lại tiền nữa, nên mình cũng có cái lợi hơn. Đương nhiên là dùng thẻ tín dụng thì bạn cũng cần kỉ luật nha, chứ cứ quẹt thẻ thả ga hết hạn mức rồi đến lúc khóc ra tiếng mán ngày nhận sao kê đó.

Túm lại là khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, sử dụng tiền thông minh và có kế hoạch sẽ giúp cho chúng ta có một cuộc sống tự do và không áp lực.

Love,
Đậu

Bedauplace

Bedauplace

Bedauplace - Hành trình chăm sóc bé từ những năm đầu đời với kiến thức đa dạng về dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động và học ngoại ngữ. Khám phá cùng chúng tôi và trải nghiệm mua sắm chất lượng với các sản phẩm chính hãng, đảm bảo sự phát triển vững chắc cho bé yêu của bạn.

Bình luận ()

wave