Trẻ từ 1,5-5 tuổi thường có các hành vi ương bướng, la hét, ăn vạ, khóc đòi bằng được, tức giận, cắn, đánh lại cha mẹ. Khi đó, cha mẹ cần sử dụng phương pháp Time out để điều chỉnh hành vi của bé.
Nguyên nhân khiến trẻ có các hành vi ương bướng, ăn vạ, la hét, tức giận ném đồ, cắn mọi người:
Ở giai đoạn 1,5-5 tuổi, trẻ gặp khó khăn về điều khiển cảm xúc, sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt. Do đó, trẻ chọn cách hành động để thể hiện mong muốn của mình:
- Để cho bạn biết trẻ cần giúp đỡ khi gặp rắc rối (Ví dụ, trẻ không biết cách chơi 1 món đồ chơi, không biết cách cởi dép, mặc quần áo…)
- Để đạt được điều trẻ muốn (ví dụ, đòi kẹo khi tính tiền ở siêu thị, đòi vừa chơi đồ chơi vừa ăn)
- Để ngăn bạn đưa vào một hoạt động trẻ thấy chán (Ví dụ, trẻ không muốn vào khu vực nhà sách, trẻ thích quầy đồ chơi)…
=> Các hoạt động trên là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Để vượt qua giai đoạn này, điều chỉnh hành vi của trẻ, một trong những công cụ mà các chuyên gia nhi khuyên cha mẹ là Time-out.
Phương pháp Time out là gì
Timeout là một khoảng dừng “có ý nghĩa”, lúc này não bộ của trẻ có thể học được nhận thức và cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Time out chỉ nên sử dụng với các hành vi quá ương bướng như đánh người khác, la hét dữ dội, ... Nó nên sử dụng sau các công cụ giáo dục khác như Distraction và 1,2,3 magic khi các công cụ này không hiệu quả. Khi sử dụng Time out, bạn nên thực thi, tránh mang Time out như cách hù dọa trẻ nhưng không thực thi.
Cách thực hiện phương pháp Time out khi trẻ có hành vi không đúng
Time-out gồm 3 bước:
1. Cha mẹ bình tĩnh yêu cầu trẻ vào khu vực time-out và cho trẻ 1 lí do ngắn gọn với giọng nghiêm, không tranh luận hay la mắng kiểu “hổ báo”, không chấp nhận xin lỗi khi lệnh “Timeout” được ban ra.
2. Trẻ sẽ ở vùng Time out với kiểm soát của bạn với số phút = số tuổi của trẻ. Không đồ chơi, không tranh luận, bỏ qua hết những hành vi của trẻ trong lúc Time out như khóc, la hét, nằm lăn ăn vạ…nhưng bạn vẫn ở sát trẻ để kiểm soát những hành vi của trẻ.
Chọn khu vực Time out không nên có các yếu tố gây sao nhãng như ti vi, đồ chơi, giường, ghế sofa hoặc nơi có nhiều người sinh hoạt vì khu vực Time out là nơi làm cho trẻ có cảm giác chán nhất, chính sự nhàm chán này làm não bộ trẻ hoạt động suy nghĩ về nhận thức.
3. Kết thúc time-out là lúc bạn và trẻ cần nói chuyện. Câu chuyện nên gồm 3 nội dung:
- Tại sao con lại vào đây?
- Làm sao để con không vào đây nữa?
- Cách mà con cho mẹ biết con gặp khó khăn để mẹ hỗ trợ thay vì con cư xử như vậy.
Các tình huống xử lý khi áp dụng phương pháp Time out
1. Trẻ đòi đi vệ sinh lúc thực hiện time-out, tôi phải làm sao?
Các chuyên gia nhi từ CDC, Mỹ chia sẻ: Bạn không cần chú ý đến những gì trẻ nói trong lúc Time out vì thực tế thời gian time-out là rất ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cá nhân của trẻ. Một điều mà chắc chắn bạn sẽ gặp nếu bạn cho trẻ đi vệ sinh lúc Time out là trẻ sẽ biết dùng lí do này để ra khỏi Time out sớm hơn quy định cho những lần sau. Trong trường hợp, trẻ thật sự cần thiết đi vệ sinh, bạn có thể cho bé đi vệ sinh, nhưng bạn không nói hoặc hành động gì, chỉ hổ trợ bé đi vệ sinh. Sau khi kết thúc, bạn đưa bé vào Time out lại và thời gian được tính tiếp tục.
2. Trẻ đòi hoặc tự ý ra khỏi vùng Time out trước khi bạn cho phép
Bạn yêu cầu hoặc bế bé vào lại vùng Time out. Bên cạnh đó, bạn cho trẻ biết điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ phá luật Time out. Ví dụ, trẻ sẽ không được sử dụng chiếc xe đạp ngày hôm nay hoặc cuối tuần này con sẽ không được đi chơi.... Điều này sẽ cho bé sự tự lựa chọn, đây là một quy trình cần thiết cho phát triển nhận thức.
Ví dụ, sau khi bạn bế bé vào lại Time out, bạn có thể nói với giọng nghiêm: “Nếu con ra ngoài 1 lần nữa, Time out sẽ kết thúc và con sẽ không được sử dụng chiếc xe đạp hôm nay. Nếu con im lặng đợi hết thời gian time-out, con có thể sử dụng chiếc xe đạp.
Khi bạn đưa ra luật này, thì phải giữ đúng luật này hết cả ngày, hoặc đúng giao kèo. Bài học trẻ học được là phải chọn 1 lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó, dù nó là xấu nhất.
3. Trẻ la hét khóc lóc trong suốt và cả khi hết thời gian quy định của Time out. Tôi nên cho trẻ ra khỏi Time out hay tiếp tục thêm thời gian Time out?
Lời khuyên đầu tiên của GS.Waston, ĐH Miami, Mỹ chia sẻ: “Cứ kệ thôi, hầu như đứa trẻ nào vào Time out đều la hét khóc lóc. Tùy vào khả năng kiểm soát cảm xúc và sự trải nghiệm Time out khác nhau, mà có đứa sẽ khóc suốt thời gian Time out, cũng có đứa sẽ chỉ la hét thời gian đầu. Đây là một trạng thái tâm lý bình thường. Tuy nhiên, trẻ sẽ sớm ngừng hành động này sau một vài lần Time out vì trẻ sẽ nhận biết được rằng mẹ không quan tâm đến trẻ làm gì trong Time out. Bạn không nên kết thúc Time out trước thời gian kết thúc Time out hoặc kéo dài thêm thời gian Time out.
Trong trường hợp trẻ la khóc suốt Time-out, bạn có thể làm như sau: Đợi còn 5 giây trước thời điểm kết thúc, bạn lại gần giữ bé ngồi dậy ngang tằm mắt của trẻ và nói với giọng nghiêm trầm ấm: “Bin, nghe mẹ nói này, bây giờ con có thể im lặng nghe mẹ nói con có thể ra ngoài.” Điều này sẽ dạy cho trẻ hiểu được rằng: Trẻ chỉ có thể ra ngoài nếu chịu im lặng lắng nghe.
4. Trẻ lấy đồ chơi ra chơi hoặc lên giường giả vờ nằm ngủ trong thời gian time-out, tôi nên làm gì?
Một nguyên tắc quan trọng mà bạn cần tuân thủ và cũng cần cho trẻ biết sự tồn tại của nguyên tắc này để trẻ tôn trọng nó trong suốt time-out. Nguyên tắc đó là: Trẻ không được có bất kì món đồ chơi hoặc có yếu tố nào làm trẻ sao nhãng trong thời gian time-out, ví dụ như ti vi, giường, điện thoại hoặc ghế sofa.
TS. Mark, chuyên gia từ Trung tâm CDC, Mỹ giải thích: Trẻ cần 1 khoảng lặng đủ lâu, mà không có bất kì thứ gì làm trẻ sao nhãng, lúc này nó sẽ làm trẻ rơi vào khoảng thời gian “chán nhất”. Điều này sẽ kích thích tầng 2 của não bộ cho các hoạt động kiểm soát cảm xúc và phát triển nhận thức đúng sai cho một hành vi. Để đảm bảo nguyên tắc này được thực thi, bạn chọn vùng Time out không có các yếu tố gây sao nhãng ở trên và tránh nơi mà mọi người trong nhà thường xuyên sinh hoạt nói chuyện. Bạn có thể quy ước với thành viên trong gia đình là họ có thể tạo điều kiện im lặng khi trẻ đang vào Time out, điều này rất cần thiết cho con trẻ chúng ta học hỏi tốt hơn về kiểm soát cảm xúc.
5. Trẻ ương bướng nơi công cộng, làm sao tôi có thể tìm vùng time-out?
Trẻ có thể có hành vi tức giận, ăn vạ, ương bướng ở nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, nhà sách... Đầu tiên, bạn hãy tìm góc nào đó mà các hành vi của trẻ không gây quá nhiều phiền phức cho mọi người, như khu vực bên ngoài hoặc khu vực gần nhà vệ sinh. Nếu trẻ vẫn giữ thái độ không đúng, hãy dùng Time out và nhìn bức tường là vùng Time out.
6. Nhà có 2 trẻ thường dành đồ chơi và đánh chọc ghẹo nhau, tôi nên làm sao?
Hướng dẫn của tổ chức CDC, Mỹ từng chia sẻ: Đầu tiên bạn nên xác định trẻ nào là nguyên nhân của vấn đề và có thể áp dụng Time out lên trẻ đó, thời gian Time out bằng số tuổi của 1 bé và món đồ chơi sẽ được cất đến cuối ngày và cả 2 anh em không ai được chơi.
Nếu bạn không xác định được trẻ nào là nguyên nhân hoặc cả 2 đều có tương tác chọc ghẹo qua lại, bạn hãy Time out món đồ chơi và cho lí do ngắn gọn tại sao. Điều này sẽ cho 2 trẻ hiểu được cách kiểm soát bản thân. Số phút Time out món đồ chơi bằng tổng số tuổi hai trẻ chia cho 2. Khi thời gian Time out kết thúc, hãy kể cho trẻ vì sao món đồ nằm đó và làm sao nó không nằm đó lần sau, chia sẻ món đồ đó lúc chơi như thế nào. Time out món đồ, quyển sách hay đồ vật nào đó cũng là 1 cách bạn có thể làm thay vì Time out trẻ.
Notes:
Green, J. A., Whitney, P. G., & Potegal, M. (2011). Screaming, Yelling, Whining and Crying: Categorical and intensity differences in Vocal Expressions of Anger and Sadness in Children’s Tantrums. Emotion (Washington, D.C.), 11(5), 1124–1133.
Daniel J.S. và Tina P.B. (2011) The whole-brain child- 12 Revolutionary strategies to nurture your child developing mind. Delacorte Press. New York.
CDC. Essentials for Parenting Toddlers and Preschoolers. Accessed 3-2018.