Một phút trước, bé đang chơi vui vẻ, và ngay lập tức sau đó, bé lại ném đồ chơi và khóc la om sòm, nằm dài dưới đất. Lúc này, bạn thật khó mà làm trẻ dịu đi, đến khi phải đạt được 1 thoả thuận nào đó, nhưng rất lâu.
Tại sao trẻ có phản ứng giận dữ như vậy?
Cơn giận dữ là 1 phần phát triển tự nhiên của trẻ khi trẻ bắt đầu hiểu về sự khám phá độc lập, thông thường là từ 2 tuổi. Lúc này trẻ sẽ muốn làm mọi thứ theo cách của mình, từ việc chọn đồ mặc đến giờ đi ngủ hay đồ chơi yêu thích. Lúc này, trẻ có thể thể hiện sự giận dữ qua việc ném, đánh, cắn, khóc lóc, hay đá. Cơn giận dữ chủ yếu xuất phát từ việc trẻ muốn tự làm mọi thứ và kháng cự lại sự kiểm soát của người lớn.
Trẻ hay cáu giận có ảnh hưởng như thế nào?
Các cơn giận dữ của trẻ thường xuất hiện vào cuối năm đầu đời, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi đến 4 tuổi và thường gián đoạn sau khi trẻ được 5 tuổi. Nếu cơn tức giận của trẻ thường xảy ra sau 5 tuổi, chúng có thể tồn tại suốt thời thơ ấu.
Cơn giận dữ của trẻ có thể bao gồm các biểu hiện:
- Hét lên;
- Trẻ hay khóc thét;
- Khóc;
- Đánh đập;
- Lăn trên sàn;
- Nhảy dậm chân;
- Vứt bỏ mọi thứ;
- Đứa trẻ có thể trở nên đỏ mặt và đánh hoặc đá một ai đó.
Napoleon từng nói rằng “những người có thể kiểm soát được cảm xúc còn giỏi hơn cả những vị tướng giành chiến thắng. Ngược lại, những người không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân thực sự tệ hại, họ làm mọi việc mà không nghĩ đến hậu quả, họ dựa vào cảm xúc để kiểm soát mọi hành vi, họ có thể làm tổn hại chính mình và tổn thương người khác”.
Việc quản lý cảm xúc là một việc làm quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, thậm chí nó sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ có thể có được các mối quan hệ giữa các cá nhân tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không. Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc sẽ có thể chấp nhận và quản lý những điều vui buồn, lo lắng... của mình và không làm hại đến ai.
Nghiên cứu mới nhất về giáo dục trẻ em cho thấy, những trải nghiệm cảm xúc của trẻ trước 6 tuổi có một tác động lâu dài trong cuộc đời một người. Nếu không được chú ý, tính cách của trẻ sẽ là bi quan, cô đơn, lo âu, không hài lòng với bản thân và trẻ hay ăn vạ..., những điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách tương lai của trẻ. Hơn thế nữa, nếu những cảm xúc tiêu cực của trẻ xảy ra thường xuyên và liên tục, chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tính cách, sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của trẻ.
Do đó, bạn cần chú ý tới cảm xúc của trẻ từ sớm và có sự giúp đỡ trong việc điều chỉnh, hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của mình.
Cơn giận dữ sẽ được “tiến hoá” thú vị ở tuổi lên 3 và lên 4
Ở tuổi lên 3, cơn giận dữ trở thành 1 chiến thuật để mang lại kết quả mà trẻ mong muốn. Nghĩa là, trẻ hiểu rằng: cha mẹ sẽ chấp nhận điều trẻ muốn nếu có cơn giận dữ đúng lúc. Như thế nào gọi là đúng lúc? VD, khi ở quầy tính tiền trong siêu thị hoặc trong bàn ăn có nhiều người. Do đó, trẻ 3 tuổi vẫn có thể dùng cơn giận để tranh cãi, đá, la hét hay đánh nhau, nhưng bạn sẽ thấy chúng ít thường xuyên hơn, chỉ thường dùng ở thời điểm “đúng lúc” và không dữ dội và lâu như lúc trước.
Ở tuổi lên 4, cơn giận dữ trở nên “mượt mà” hơn vì trẻ biết sử dụng ngôn ngữ để tăng tính thuyết phục. Vì lúc này, trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, trẻ đã có khả năng diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình, có thể hợp tác giải quyết vấn đề và thậm chí thỏa hiệp. Tuy nhiên, trẻ có thể dùng từ ngữ như "con ghét mẹ", “có mấy kẹo thôi mà mẹ không mua nữa”… thực ra trẻ không thực sự có ý định gì trong cách dụng các câu này, chỉ đơn giản trẻ hiểu: đó là cách để thuyết phục tốt hơn. Trẻ 4 tuổi cũng có thể thể hiện sự giận dữ qua hành động như ném đồ hoặc chạy trốn, nhưng sử dụng ngôn ngữ là thường xuyên hơn.
Cơn giận dữ của trẻ là cơ hội cho cha mẹ hơn là sự phiền phức
Đôi lúc cha mẹ chúng ta cảm thấy căng thẳng, lúng túng về các cơn giận dữ của trẻ. Nhưng, đây là một phần quan trọng của quá trình phát triển ở trẻ. Với trẻ, đó là chuỗi tiến hoá về cách trẻ hiểu bản thân và tương tác xã hội. Nếu trẻ được dạy cách ứng xử tốt thì đó là là cơ hội để trẻ học hỏi và phát triển kỹ năng sống quan trọng. Đây là điều quan trọng cho đảm bảo thành công của trẻ sau này.
Lời khuyên về cách giải quyết cơn giận dữ của trẻ theo độ tuổi
Cơn giận dữ ở trẻ 2 tuổi
Lời khuyên: Thay đổi môi trường của trẻ khi cơn giận dữ bắt đầu tăng cao. Việc này giúp làm gián đoạn chu trình cơn giận, giảm căng thẳng và chuyển hướng sự chú ý của trẻ.
Ví dụ: Nếu trẻ bắt đầu cơn giận dữ vì không được chơi với món đồ yêu thích, hãy nhẹ nhàng bế trẻ lên và đưa trẻ ra khỏi khu vực đó. Nếu trẻ đang chơi ở phòng khách và bắt đầu khóc lóc vì không được cầm một món đồ, hãy đưa trẻ ra ngoài sân hoặc vào một phòng khác để thay đổi không khí. Điều này không chỉ giúp trẻ thư giãn mà còn giúp làm giảm sự cứng đầu và cảm giác thất vọng.
Các phương pháp giáo dục hành vi được khuyên: 1,2,3 Magic và Time-out
Cơn giận dữ ở trẻ 3 tuổi
Lời khuyên: Cho trẻ sự lựa chọn nhỏ để trẻ cảm thấy độc lập. Điều này giúp giảm tần suất và cường độ của cơn giận dữ, đồng thời khuyến khích trẻ học cách xử lý cảm xúc của mình một cách tích cực.
Ví dụ: Khi trẻ 3 tuổi nổi giận vì không được chọn món ăn mình thích, hãy cung cấp cho trẻ hai lựa chọn mà bạn đã chuẩn bị sẵn (ví dụ: “Con muốn ăn táo hay chuối?”). Bằng cách cho trẻ lựa chọn giữa các lựa chọn có sẵn, bạn giúp trẻ cảm thấy có quyền quyết định và giảm khả năng nổi giận. Nếu trẻ bắt đầu khóc, hãy chuyển hướng sự chú ý của trẻ bằng cách mời trẻ tham gia một hoạt động vui vẻ khác, như đọc sách hoặc chơi trò chơi đơn giản.
Các phương pháp giáo dục hành vi được khuyên: 1,2,3 Magic, Time-out, giới thiệu nguyên tắc và luật lệ.
Cơn giận dữ ở trẻ 4 tuổi
Lời khuyên: Không cho phép trẻ hành động bạo lực trong cơn giận và giữ bình tĩnh để giữ quyền kiểm soát. Đây là thời điểm quan trọng để dạy trẻ về sự tôn trọng và thiết lập ranh giới rõ ràng.
Ví dụ: Nếu trẻ 4 tuổi bắt đầu đánh hoặc đá khi tức giận, hãy ngay lập tức ngăn cản hành vi đó và giải thích một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết rằng hành vi bạo lực là không chấp nhận được. Ví dụ, bạn có thể nói: “Mẹ không cho phép con đánh người khác. Nếu con tức giận, con có thể nói ra cảm giác của mình hoặc chúng ta cùng làm một việc khác.” Sau đó, hướng dẫn trẻ về cách quản lý cảm xúc của mình một cách tích cực, chẳng hạn như thở sâu hoặc tìm một nơi yên tĩnh để bình tĩnh lại.
Các phương pháp giáo dục hành vi được khuyên: 1,2,3 Magic, Time-out, giới thiệu nguyên tắc và luật lệ.
Note
Gail Gross (2023) Your baby's brain. How to use science to raise a smart, successful child. Skyhorse Publishing.