Bố mẹ có biết việc khen ngợi con đúng lúc sẽ mang đến hiệu quả tích cực cho việc phát triển tính cách, giúp nâng cao lòng tự trọng và nâng cao sự tự tin cho trẻ? Hãy cùng Bedauplace tìm hiểu ngay những cách khen ngợi khiến con tiến bộ hơn bố mẹ nhé!
Tại sao bố mẹ cần khen ngợi con?
Khen ngợi là phần thưởng tinh thần mang lại hiệu quả, trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa hơn cả những phần thưởng vật chất. Vậy, khen ngợi có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ?
- Khen ngợi là một cách công nhận, giúp trẻ biết bản thân đang làm tốt và hào hứng muốn tiếp tục hành động đó.
- Khen ngợi sẽ khích lệ tinh thần trẻ, giúp trẻ có thêm động lực để làm những điều tốt hơn nữa.
- Khen ngợi giúp trẻ tự tin hơn về bản thân. Bởi với tâm lý trẻ, khi chúng không chắc chắn mình đã làm tốt hay chưa hoặc đang tự ti về khả năng, một lời khen đúng lúc sẽ khiến trẻ củng cố niềm tin và phấn đấu nhiều hơn.
- Khen ngợi giúp đẩy lùi những hành vi không tốt. Việc khen ngợi có tác dụng giúp trẻ nhận thức rõ đâu là việc tốt, đâu là việc xấu. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng hạn chế những hành vi xấu và thay vào đó là nỗ lực cư xử tốt hơn.
Khen ngợi, biểu dương thành tích mà con trẻ đạt được là điều bố mẹ nên làm thường xuyên. Nhưng khen như thế nào là đúng, khen như thế nào để khích lệ con cố gắng hơn nữa?

Nguyên tắc chung về lời khen dành cho trẻ
Thực tế, trẻ con học nhanh hơn khi có thông tin phản hồi cụ thể về những gì chúng làm tốt. Với hơn 30 năm nghiên cứu về tác động của lời khen đối với tâm lý trẻ, nhà tâm lý học J. Henderlong và tiến sĩ M. Lepper đã kết luận rằng những lời khen ngợi có thể trở thành động lực mạnh mẽ nếu bạn làm theo những nguyên tắc sau:
- Ghi nhận hành động
- Phân tích cách thực hiện
- Tán dương sự phát triển, tiến bộ
- Lập kế hoạch cho tương lai.

Cách khen ngợi phù hợp với tâm lý sẽ giúp trẻ tiến bộ hơn
Khen một hành động cụ thể
Những lời khen ngợi mơ hồ, chung chung thường khiến trẻ cảm thấy hời hợt và không thực sự có tác động tích cực. Thay vào đó, những lời khen ngợi cụ thể sẽ giúp trẻ cảm nhận rõ ràng hơn về hành động tích cực của mình.
Một lời khen rõ ràng và cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu điều cần làm trong tương lai.
Ví dụ, bố mẹ có thể nói với con: “Hôm nay con đã sắp xếp đồ chơi gọn gàng, việc này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian dọn dẹp nhà cửa gọn gàng hơn”.
Khi con cầm chổi quét nhà, thay vì khen "Con thật giỏi", bố mẹ hãy nói: "Cảm ơn con vì đã giúp mẹ quét nhà, mẹ cảm thấy rất vui".
Để mang lại hiệu quả tốt, các bậc phụ huynh cần miêu tả hành vi vào trước lời khen. Ví dụ: "Con rửa tay sạch sẽ rồi, bây giờ con có thể ăn cơm, đúng là con ngoan của mẹ!" Làm như vậy giúp trẻ hiểu rõ bố mẹ đang tán dương mình ở phương diện nào.

Những lời khen ngợi này chỉ ra rõ ràng hành động cụ thể, thể hiện sự ghi nhận từ bố mẹ đối với những đóng góp của con. Điều này có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của trẻ. Khi được bố mẹ ghi nhận những hành động tích cực, trẻ sẽ cảm thấy được công nhận, được động viên và sẽ tiếp tục nỗ lực.
Ngược lại, những lời khen chung chung như “con giỏi lắm”, “con ngoan lắm”, “con thông minh lắm” là lời khen nhiều bậc cha mẹ dành cho con. Cứ mỗi khi trẻ có tiến bộ liền được bố mẹ định nghĩa là thông minh. Kết quả sẽ khiến trẻ cảm thấy thông minh là điều quan trọng nhất. Trẻ sẽ trở nên tự phụ chứ không phải là tự tin, đồng thời trẻ ngại thử thách bản thân. Thực tế, những đứa trẻ được khen là thông minh rất sợ phạm sai lầm trước mặt cha mẹ, bởi trẻ sợ cha mẹ phán xét hành động không thông minh của trẻ.

Khen ngợi nỗ lực hơn là kết quả
Khi đánh giá kết quả của trẻ, nhiều phụ huynh dễ dàng tập trung vào thành tích mà bỏ qua nỗ lực và sự tiến bộ. Điều này vô tình ảnh hưởng đến động lực và sự tự tin của trẻ.
Thay vào đó, bố mẹ nên nhận ra cả quá trình nỗ lực, bất kể kết quả cuối cùng như thế nào. Điều này giúp trẻ xây dựng động lực nội tại, biết trân trọng quá trình học tập và cố gắng, thay vì chỉ hướng tới thành tích bên ngoài. Từ đó, trẻ sẽ phát triển được tính kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu, thay vì dễ bị ảnh hưởng bởi những thất bại hay kết quả không như mong đợi. Ngoài ra, trẻ sẽ cảm thấy được bố mẹ thấu hiểu, ủng hộ, từ đó sẽ càng tin tưởng, chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà mình đang gặp phải.
Khen ngợi nhấn mạnh sự tiến bộ
Mỗi một bước tiến, dù chỉ là nhỏ, cũng đều xứng đáng được bố mẹ ghi nhận và khuyến khích. Điều này rất quan trọng để trẻ nhận thức rõ sự trưởng thành của bản thân, từ đó tăng cường động lực học tập và phát triển hơn nữa.
Ví dụ bố mẹ có thể nói với con: “Mẹ nhớ lần trước con học điều này rất khó khăn, nhưng bây giờ con đã thành thạo hơn, con đang thực sự tiến bộ”. Lời khen này không chỉ ghi nhận rõ ràng sự tiến bộ, mà còn giúp trẻ nhìn thấy được quá trình trưởng thành của bản thân.
Việc nhìn nhận và tôn vinh những bước tiến dù nhỏ của trẻ cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Trước hết, điều này giúp củng cố lòng tự tin và động lực học tập của trẻ. Khi được bố mẹ ghi nhận nỗ lực, trẻ sẽ càng tin tưởng vào khả năng của bản thân, cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì những gì mình đạt được. Điều này sẽ thúc đẩy trẻ tiếp tục cố gắng, vượt qua những thách thức để đạt được những bước tiến lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc nhìn nhận những tiến bộ nhỏ cũng giúp trẻ phát triển thói quen coi trọng quá trình, chứ không chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng.

Lời khen khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm độc đáo, sáng tạo riêng. Việc khám phá những điều này chính là cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho trẻ phát triển những phẩm chất tích cực như sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Ví dụ, khi trẻ giải quyết vấn đề theo cách thức độc đáo, bố mẹ có thể khen: “Đó là một giải pháp thực sự sáng tạo và mẹ thích cách con nghĩ về nó”. Những lời khen ngợi như vậy truyền tải thông điệp rằng sự khác biệt và sự sáng tạo của trẻ được đánh giá cao.
Khi cảm thấy bản thân được coi trọng, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ ý tưởng, không ngại thử nghiệm những cách tiếp cận mới lạ. Đây chính là nền tảng để trẻ phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.

Một số mẫu câu để tham khảo việc khen ngợi con
- Việc làm hôm nay của con đã được hoàn thành tới mức độ nào? Cảm giác vui mừng, hạnh phúc của ba mẹ khi chứng kiến điều đó?
- Việc làm hôm nay của con đã tiến bộ như thế nào với hoạt động tương tự ở lần trước đó?
- Thảo luận cùng trẻ: Bằng cách nào con đã đạt được kết quả tốt đẹp như thế này?
- Con đã vượt qua những khó khăn nào để đạt tới mục tiêu này? Tán dương những cách mà con đã sử dụng.
- Thảo luận cùng trẻ: Làm thế nào để có thể phát triển hơn nữa thành tích của con ở những lần thực hiện sau?
- Trải nghiệm cảm giác của trẻ sau khi hoàn thành xong mục tiêu? Có sự khác biệt với những lần thực hiện trước không?
- Đặt niềm tin ở sự cố gắng của trẻ với những năng lực mà con có; không đề cao một tố chất chung chung (thông minh, xinh đẹp, giỏi giang,…).
Nếu sự khen ngợi đi đúng cách, nó sẽ giúp góp phần xây dựng nên động lực nội tại và sự tự tin cho trẻ. Ba mẹ hãy chú ý nhé!