Press ESC to close

Âm lượng trong lời nói thể hiện con người bạn

Mọi người có công nhận rằng chúng ta đều thích nói chuyện và giao tiếp với người ăn nói nhẹ nhàng, khoan thai, biết tiết chế cảm xúc của mình không.

Nhất là ở môi trường công sở. Người văn minh thì sẽ ít phát ra tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người khác: đi đứng nhẹ nhàng, nói chuyện điện thoại gần như người xung quanh không nghe thấy, ăn uống cũng không phát ra tiếng động.
Có người từng viết: “Một người nói chuyện lớn giọng, là bản năng; nói chuyện nhỏ giọng, là văn minh”. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó chịu khi xung quanh phát ra những âm thanh lớn hơn mức bình thường và khó kiểm soát, nhất là khi bạn đang cần tập trung vào làm một thứ gì đó mà những loại tạp âm cứ quẩn quanh bên cạnh làm bản thân bực bội vô cùng. Kiểm soát âm lượng, không chỉ trong lời nói, mà trong cả hành động, là thể hiện sự tôn trọng người khác, cũng là sự tu dưỡng của chính mình.
Đậu từng làm chung với 1 cô bạn đồng nghiệp. Cô ấy nói điện thoại cũng phải ầm ĩ để cả phòng nghe, gõ bàn phím máy tính thì loạch xoạch, trong phòng đi đôi dép lê lẹt quẹt cứ lết xuống sàn nhà, thậm chí khi ăn uống cũng nhai chèm chẹp húp sùm sụp, đến mức mà mọi người xung quanh đều nhận xét "ăn như nhợn" các bạn ạ. Các bạn đồng nghiệp nam đều nhận xét là cô nàng này không có duyên gì luôn, và trong phòng hầu hết mọi người đều rất khó chịu. Có người đã góp ý thẳng với cô ấy, nhưng cô ấy không chịu tiếp thu. Mỗi khi Đậu làm việc mà cần suy nghĩ tập trung, những âm thanh ấy làm phiền Đậu lắm, không thể suy nghĩ gì luôn, Đậu toàn phải bịt tai lại để có thể suy nghĩ.
Đậu thường đi làm bằng xe bus. Có những khi gặp vài người lên xe nói chuyện rất to, gần như cả xe nghe câu chuyện của họ. Lái xe, phụ xe đều nhắc họ không được nói chuyện, hoặc không thì mời họ xuống xe.
Các bạn thấy đấy, nói chuyện lớn giọng ở nơi công cộng, tán dóc chuyện riêng ồn ào, là biểu hiện không tôn trọng người khác, không chỉ làm phiền người khác, đồng thời còn ảnh hưởng đến bầu không khí giao tiếp.
Ở nơi công sở nói chuyện to tiếng, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc, làm giảm hiệu suất công việc, làm cho đồng nghiệp cảm thấy bạn là người ngả ngớn, thiếu trầm ổn, làm việc không chắc chắn.
Nói chuyện to tiếng với bạn bè hoặc người thân, dễ gây ra hiểu lầm về thái độ, ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên.
Người có trình độ giáo dục càng cao, càng chú trọng cư xử văn minh, càng để ý đến giọng mình khi nói chuyện.
Hơn nữa, lớn giọng không phải là sức mạnh. Các cụ nói rồi: “thùng rỗng thường kêu to”. Có người cảm thấy nói chuyện hung hăng lớn tiếng thì người khác mới nghe theo, họ cũng mới cảm thấy vừa lòng. Thực ra không phải, loại người miệng hùm gan sứa mới hay dùng âm lượng để che giấu sự tự ti của mình.
Hãy nhớ, âm lượng nói chuyện phản ánh nội tâm của bạn, nói năng nhỏ nhẹ, càng thể hiện được sức mạnh dịu dàng.
Với các bà vợ, đàn ông sợ những người ăn nói dịu dàng nhẹ nhàng, hơn là việc to tiếng lên mặt nghen.
Love,
Đậu
Bedauplace

Bedauplace

Bedauplace - Hành trình chăm sóc bé từ những năm đầu đời với kiến thức đa dạng về dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động và học ngoại ngữ. Khám phá cùng chúng tôi và trải nghiệm mua sắm chất lượng với các sản phẩm chính hãng, đảm bảo sự phát triển vững chắc cho bé yêu của bạn.

Bình luận ()

wave